Phiên họp chuyên đề lần 2 của Ủy ban quốc gia về Chuyển đổi số chủ đề “Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực
Ngày 30/8/2023, tại Trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số tổ chức Phiên họp chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề ‘Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực’. Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp. Phiên họp được kết nối trực tuyến với điểm cầu của 63 địa phương trực thuộc Trung ương trên cả nước.
Tại điểm cầu Ninh Bình, dự phiên họp có các thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan; thành viên Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã lan tỏa thông điệp và tầm quan trọng của kinh tế số là một trong ba trụ cột của chuyển đổi số, là công cụ giúp bình ổn và tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kinh tế số là nền kinh tế với đầu vào quan trọng là dữ liệu và công nghệ.Các hoạt động kinh tế số diễn ra trên không gian mạng sẽ ít chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố vật lý trong không gian thực.Và vì vậy, kinh tế số còn là công cụ để tăng cường sức chống chịu của nền kinh tế với các tác động tiêu cực từ bên ngoài. Phát triển Kinh tế số với không gian tăng trưởng chủ yếu đến từ chuyển đổi số ngành, lĩnh vực. Việt Nam cần tìm ra các không gian phát triển mới trong từng ngành, lĩnh vực, đưa dữ liệu và công nghệ số thẩm thấu một cách tự nhiên, mặc định vào từng hoạt động của nền kinh tế.
Do đó, để đạt mục tiêu kinh tế số chiếm tối thiểu 20% vào năm 2025 như Chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra, ước tính kinh tế số phải tăng trưởng gấp 03 - 04 lần tăng trưởng GDP, tức là khoảng 20 - 25%/năm. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, thách thức, cần có giải pháp đột phá mới có thể đạt được. Tuy nhiên, Việt Nam đặt quyết tâm thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, coi kinh tế số là động lực tăng trưởng trong dài hạn, trung hạn và là yếu tố chính để Việt Nam đạt đến mốc năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Phiên họp đã thảo luận về không gian phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực được coi là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam, đó là: Công nghiệp chế biến, chế tạo; Du lịch; Nông nghiệp; Logistics và Dệt may. Kinh tế số là vấn đề mới và do vậy, cần có cách tiếp cận mới để quản lý, thúc đẩy. Trong đó, chỉ có dữ liệu tập trung mới hình thành dữ liệu lớn, tối ưu hóa hoạt động và phát triển các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số dùng chung quốc gia gồm: Bộ chủ quản xây dựng tính năng, đặt hàng doanh nghiệp công nghệ nòng cốt phát triển nền tảng; Bộ Thông tin và Truyền thông là cầu nối chia sẻ để doanh nghiệp tiếp cận được tới các bài toán; doanh nghiệp nền tảng tìm ra bài toán của Việt Nam, giải bài toán Việt Nam bằng công nghệ và sự thấu hiểu bối cảnh và văn hóa Việt Nam và địa phương trở thành nơi tiên phong triển khai thí điểm các mô hình mới, sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới, tạo thị trường cho doanh nghiệp phát triển dựa trên định hướng, chiến lược phát triển, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh để phát huy thế mạnh của địa phương, giải quyết các vấn đề nan giải của địa phương nhờ công nghệ số.
Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp thúc đẩy hệ sinh thái các nền tảng tốt cùng tham gia để quá trình chuyển đổi số thực sự diễn ra một cách toàn diện, tổng thể và toàn trình trong từng lĩnh vực, chủ trì xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý để quản lý các nền tảng số, quy định trách nhiệm của chủ quản nền tảng trong kết nối phục vụ đo lường, giám sát trực tuyến để phát hiện sớm sai phạm, góp phần đảm bảo kinh tế số Việt Nam phát triển bền vững, lành mạnh và bảo đảm quyền lợi của các chủ thể tham gia.
Thúc đẩy tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh tại các địa phương bằng các biện pháp chỉ đạo doanh nghiệp xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi thuê bao sử dụng công nghệ cũ 2G/3G sang smartphone; tăng cường triển khai ban hành quy chuẩn thiết bị đầu cuối di động yêu cầu phải hỗ trợ công nghệ từ 4G trở lên, góp phần tăng cường chuyển đổi các máy di động smartphone hoạt động trên mạng; triển khai các giải pháp truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân, thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang sử dụng smartphone.
Mỗi vùng kinh tế trọng điểm hình thành ít nhất một Trung tâm dữ liệu lớn vùng và một Trung tâm chuyển đổi số vùng, tập trung các doanh nghiệp số, phát triển, thí điểm các giải pháp số, sản phẩm số, bồi dưỡng nguồn nhân lực số của vùng; giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất về chuyển đổi số để tiếp tục lan toả đến các địa phương trong vùng.
Hội đồng điều phối vùng có trách nhiệm phân công thành viên thiết lập danh mục thống nhất các tài nguyên dữ liệu công cộng cần thu thập dữ liệu; thiết lập cơ chế chia sẻ dữ liệu công cộng với Trung tâm dữ liệu lớn toàn vùng để thúc đẩy kết nối dữ liệu công cộng và các hệ thống kinh doanh liên quan; mở nhiều bộ dữ liệu công khai cho xã hội; khuyến khích các đơn vị, cá nhân công khai dữ liệu ngoài công lập theo quy định của pháp luật, đồng thời thúc đẩy tích hợp và đổi mới dữ liệu.
Tại tỉnh Ninh Bình, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Uỷ ban quốc gia về chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông; của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh đã đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn để các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ về phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo ATTT mạng của năm. Công tác thông tin tuyên truyền được coi trọng, triển khai sớm, đồng bộ, đa dạng góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về công tác xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo ATTT mạng trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến xã đã thiết lập mạng nội bộ (LAN - Local Area Network). 100% công chức tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh; khoảng 90% cấp huyện, xã có máy tính và các thiết bị phụ trợ khác để sử dụng trong thực thi công vụ.
Trung tâm dữ liệu tỉnh đã cơ bản hoàn thành các cấu phần chính; Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh đã hoàn thành đầu tư hệ thống phần mềm lõi và máy chủ phục vụ cài đặt phần mềm (giai đoạn 1); Cổng dữ liệu tỉnh đã được xây dựng, hình thành và đã công khai dữ liệu mở cho 11 lĩnh vực .Nên tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) đã kết nối với nền tảng quốc gia và phát huy hiệu quả với số lượng giao dịch đạt cao.100% cơ quan Đảng, nhà nước trên địa bàn tỉnh (197 đơn vị) sử dụng đường truyền số liệu chuyên dùng cấp II (TSLCD). Tổng số trạm phát sóng di động mặt đất (BTS) là 2.014 trạm (bao gồm: 2G: 729 trạm, 3G: 609 trạm, 4G: 976 trạm). Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet đạt 90%, Tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh đạt 89%. 100% cơ quan nhà nước được cấp chữ ký số chuyên dùng, với 5.057 chứng thư (4.353 chứng thư số cá nhân và 704 chứng thư số tổ chức). Đã cấp 292 SIM PKI phục vụ việc ký số trên thiết bị di động cho các đồng chí lãnh đạo các cấp.Các doanh nghiệp đã phát triển 17.589 chữ ký số cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã kết nối liên thông, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư đảm bảo khai thác, xác thực thông tin phục vụ giải quyết TTHC và các CSDL của một số Bộ, ngành ; kết nối với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (Hệ thống EMC) để thực hiện đo lường, đánh giá, theo dõi, quản lý việc cung cấp và hiệu quả sử dụng thông tin và dịch vụ công trực tuyến. Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành triển khai ứng dụng cho 100% các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và các đơn vị trực thuộc của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Hệ thống giám sát, điều hành thông minh (IOC) tỉnh Ninh Bình đã đi vào hoạt động từ quý I năm 2022 với 303 tài khoản được cấp; 45 workspace biểu diễn dữ liệu cho cấp tỉnh, huyện, xã trên 09 lĩnh vực giám sát. Tích cực triển khai các nhiệm vụ về chuẩn hóa, làm sạch các CSDL của Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; việc kết nối chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành đang được tập trung thực hiện theo đúng lộ trình…
Tại phiên họp các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về các giải pháp tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực, địa phương đi vào thực chất, hiệu quả.
Với thông điệp ‘Kinh tế số là công cụ giúp bình ổn và tăng trưởng bền vững’, Phiên họp chuyên đề lần thứ 2 với chủ đề ‘Giải pháp đột phá để phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực’ được kỳ vọng sẽ tạo thêm cú huých góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số Việt Nam nói chung, thúc đẩy phát triển nền tảng số và chuyển đổi số doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực trong 6 tháng cuối năm 2023 nói riêng.
(Theo: ninhbinh.gov.vn)
-
Chuyển đổi số thúc đẩy nâng cao năng lực cạnh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Thứ năm, 31/10/2024 286 Lượt xem
-
Hội thảo chuyên đề “Các tiến bộ của công nghệ dữ liệu và công nghệ số trong phát triển kinh tế số”
Thứ năm, 24/10/2024 259 Lượt xem
-
Diễn đàn “Datafest 2024 và Thúc đẩy chuyển đổi số Ninh Bình”
Thứ năm, 24/10/2024 268 Lượt xem
-
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024
Thứ bảy, 12/10/2024 267 Lượt xem
-
Bế mạc Diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn thông tin mạng, ứng cứu sự cố tỉnh Ninh Bình năm 2024
Thứ năm, 10/10/2024 260 Lượt xem