Thứ Sáu, 04/10/2024

Thành phố Ninh Bình đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học

Thứ Bảy, 15/04/2023

 

Hiện các khoản thu trong trường học được đóng nộp trực tiếp về tài khoản nhà trường, giảm đáng kể thời gian cho giáo viên và phụ huynh học sinh.

Để triển khai thực hiện việc thanh toán các khoản thu trong nhà trường không dùng tiền mặt, ngay từ đầu năm học, thông qua các cuộc họp giữa nhà trường với Ban đại diện phụ huynh học sinh, thông qua cô giáo chủ nhiệm trong các cuộc họp với phụ huynh học sinh cũng như trao đổi trên các nhóm của lớp, của trường, Trường THCS Lý Tự Trọng đã triển khai cụ thể, chi tiết chủ trương của ngành Giáo dục đối với việc thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học.

Những năm học trước, mỗi khi thu học phí và các khoản thu dịch vụ trong nhà trường như: học buổi hai, tiền điện, tiền nước, tiền gửi xe, vệ sinh môi trường... đều mất khá nhiều thời gian của giáo viên và cả cha mẹ học sinh cũng như nhà trường. Không chỉ tốn nhiều thời gian cho việc thu nộp, kiểm đếm, lên danh sách học sinh đã đóng nộp, còn có tình trạng tiền thừa thiếu, nhầm lẫn, tiền giả... hoặc rơi mất khi phụ huynh đưa cho con đến trường nộp học.

Cô giáo Đinh Minh Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng cho biết: Mỗi năm học nhà trường luôn có trên 1.700 học sinh. Thực hiện mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học trên địa bàn, nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, cha mẹ học sinh hiểu về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, cách thức thực hiện... Nhà trường đã ký kết với ngân hàng thương mại trên địa bàn để sử dụng dịch vụ, quy trình thực hiện được hướng dẫn tỉ mỉ, có số điện thoại của đại diện ngân hàng nhằm giúp các phụ huynh thực hiện thuận lợi nhất.

Thông qua chuyển đổi số, hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng đã thuận lợi hơn rất nhiều trong quản lý hoạt động của nhà trường.

Tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cũng được nhà trường tuyên truyền thực hiện từ 4 năm học trước, ban đầu chỉ có khoảng 20% phụ huynh tham gia. Đến năm học 2022-2023, nhà trường đã có gần 100% phụ huynh học sinh thực hiện quy định này. 

Thầy giáo Đỗ Văn Tự, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, việc thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế tất yếu của xã hội hiện đại. Đây cũng là một nội dung hướng đến trong quá trình xây dựng trường học thông minh, tận dụng tối đa công nghệ số trong điều hành, quản trị nhà trường. Tại Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng luôn có trên 1,5 nghìn học sinh theo học, việc nộp tiền qua tài khoản nhà trường đã giảm đáng kể thời gian và công sức cho giáo viên, giúp giáo viên chuyên tâm vào việc giảng dạy.

"Với số lượng học sinh đông, các khoản thu thường không ổn định, không giống nhau, có thể theo tháng, theo quý hoặc nửa năm đối với từng khoản thu bắt buộc hoặc theo nhu cầu. Đơn cử như khoản thu ăn bán trú ở mỗi học sinh là khác nhau... Việc thu nộp tiền mặt rất mất thời gian và không đảm bảo an toàn, gây khó khăn cho giáo viên chủ nhiệm và nhà trường. Qua thời gian thực hiện việc thanh toán các khoản thu không dùng tiền mặt, cho thấy hiệu quả rất thiết thực với cả phụ huynh, giáo viên và nhà trường, nhận được sự ủng hộ cao và thực hiện nghiêm túc của phụ huynh học sinh. Qua đó góp phần công khai, minh bạch tài chính, cũng như đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số của ngành Giáo dục..." - thầy giáo Đỗ Văn Tự nhấn mạnh.

Thành phố Ninh Bình hiện có trên 40 trường học, thuộc 3 cấp học là mầm non, tiểu học và THCS, với trên 30 nghìn học sinh. Tại các nhà trường luôn có trên dưới 1 nghìn học sinh theo học và thực hiện các khoản thu bắt buộc và thỏa thuận theo quy định. Việc thực hiện đóng các khoản tiền trực tiếp sẽ ảnh hưởng rất lớn tới công tác quản lý, thống kê, cũng như mất thời gian của phụ huynh và giáo viên. Để thay đổi thói quen từ nộp tiền trực tiếp sang công nghệ số, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Ninh Bình đã chỉ đạo các trường phối hợp với ngân hàng và đơn vị cung ứng phần mềm hỗ trợ phụ huynh cài đặt tài khoản và hướng dẫn thao tác chuyển khoản trên điện thoại thông minh. Đối với những phụ huynh chưa có điện thoại thông minh, giáo viên có thể thu và nộp hộ.

Để thúc đẩy nhanh quy định thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã hướng dẫn các nhà trường triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thống kê giáo dục năm học, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố tiếp tục phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ đảm bảo an toàn tuyệt đối thông tin và duy trì hệ thống website của ngành. Quản trị hệ thống website của Phòng, ngành. Quản trị phần mềm quản lý văn bản và điều hành của cơ quan Phòng Giáo dục và Đào tạo, tham mưu triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành tại các đơn vị trực thuộc...

Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cũng tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thống kê giáo dục cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Nội dung gắn với nhu cầu thực tiễn, phù hợp về kỹ năng tổ chức, quản lý các hoạt động dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến; kỹ năng thiết kế bài giảng E-Learning, video bài giảng, thiết bị dạy học số; kỹ năng quản lý, triển khai có hiệu quả các phần mềm quản trị trong cơ sở giáo dục, nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thông tin...

Đến nay, 100% các trường học trên địa bàn thành phố Ninh Bình đã triển khai việc thanh toán tiền học phí, phí dịch vụ không dùng tiền mặt thông qua phần mềm quản lý trực tuyến. Kết quả bước đầu cho thấy, việc thanh toán không dùng tiền mặt ở các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Ninh Bình đạt tỷ lệ khá cao, có những trường đạt gần 100% phụ huynh thanh toán bằng phương thức chuyển khoản, quét mã QR. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy chuyển đổi số trong trường học đã mang lại lợi ích thiết thực, được phụ huynh đồng tình, đón nhận. Qua đó đảm bảo minh bạch, hạn chế tiêu cực, giảm thiểu phát sinh và rủi ro tài chính trong các cơ sở giáo dục.

(Theo báo Ninh Bình)