Chào mừng bạn đến với Website Chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình

Tin tức chung

Tổng kết việc triển khai thực hiện mô hình Chuyển đổi số cấp xã

Thứ bảy, 05/4/2025 17 Lượt xem
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Chiều ngày 4/4, Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 3/10/2022 của UBND tỉnh về Triển khai thực hiện mô hình Chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (phiên bản 1.0).

Dự hội nghị có Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ; Lãnh đạo UBND các huyện, thành phố; các phòng chuyên môn thuộc Sở; Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông và đại diện các xã, phường, thị trấn tiêu biểu về thực hiện chuyển đổi số cấp xã.

Quang cảnh Hội nghị

Thời gian qua, thực hiện Kế hoạch số 164/KH-UBND ngày 03/10/2022 của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo, đôn đốc và theo dõi 14 “mô hình thí điểm chuyển đổi số cấp xã” (phiên bản 1.0) đảm bảo đúng các nội dung, mục tiêu kế hoạch đề ra. UBND các xã, phường, thị trấn đã tổ chức triển khai và ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách từng nhiệm vụ, từng lĩnh vực, chú trọng vào 3 trụ cột là: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. 

Theo đó,  mô hình chuyển đổi số cấp xã đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các xã đã thực hiện khảo sát và cải tạo, nâng cấp toàn bộ mạng LAN nội bộ của đơn vị, bổ sung trang thiết bị cần thiết; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, VNPT Ninh Bình triển khai kết nối đường truyền số liệu chuyên dùng và đưa vào sử dụng…

Đến nay, 100% xã đã được cấp chữ ký số và sử dụng thường xuyên. Lãnh đạo một số UBND xã đã sử dụng chữ ký số bằng sim điện thoại tạo thuận lợi cho giải quyết công việc. Chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, công chức sử dụng, rà soát và cấp tài khoản cho các cá nhân và tổ chức sử dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành.

Nhiều xã chỉ đạo các bộ phận đẩy mạnh việc sử dụng phần mềm chuyên ngành hiện có trong hoạt động nghiệp vụ của cán bộ như: Phần mềm quản lý tài sản, phần mềm: kế toán, bảo hiểm xã hội, kê khai bảo hiểm xã hội, kê khai thông tin trẻ em, đăng ký quản lý hộ tịch, thống kê ngành tư pháp và một số phần mềm ứng dụng chuyên dùng khác.

100% xã đã thực hiện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống thông tin của tỉnh; 100% cán bộ, công chức thuộc bộ phận một cửa được cấp tài khoản và sử dụng thường xuyên… Nhờ đó, trình độ công nghệ thông tin của cán bộ, công chức được nâng lên, cán bộ, công chức xã sử dụng và thao tác thành thạo các phần mềm và hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, nắm được các kỹ năng xử lý các vấn đề về máy tính trong quá trình sử dụng, giúp giải quyết công việc nhanh hơn, tốt hơn.

Nhiều xã đã lựa chọn sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương để đưa lên sàn thương mại điện tử, phát triển mở rộng thị trường, khích lệ hộ dân, các HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh, với khoảng 75% người dân có tài khoản thanh toán điện tử…

Thống kê cho thấy, đã có 143/143 xã, phường, thị trấn hoàn thành chỉ tiêu “Tỷ lệ hộ gia đình được tiếp cận, sử dụng dịch vụ Internet cáp quang băng thông rộng”; 141/143 xã, phường, thị trấn hoàn thành chỉ tiêu “Tỷ lệ cán bộ, công chức được trang bị máy vi tính, các thiết bị phụ trợ cần thiết để đảm bảo xử lý các công việc trên môi trường mạng”; 120/143 xã, phường, thị trấn hoàn thành chỉ tiêu “Tỷ lệ đơn vị, tổ chức, cá nhân (cán bộ, công chức) được cấp, sử dụng chứng thư số chuyên dùng của Ban cơ yếu Chính phủ” và có 142/143 xã, phường, thị trấn hoàn thành chỉ tiêu “Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính tiếp nhận trực tuyến”…

Hội nghị cũng được nghe nội dung tham luận của đại diện các xã, phường, thị trấn về thực hiện mô hình Chuyển đổi số cấp xã tại đơn vị và đại diện phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin thành phố Tam Điệp, huyện Yên Mô và Yên Mô về công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện xây dựng Chính quyền số; Công tác triển khai thực hiện Kinh tế số, đưa các sản phẩm OCOP của địa phương quảng bá trên sàn thương mại điện tử, mạng xã hội; Công tác triển khai thực hiện phát triển Hạ tầng số, viễn thông, di động phục vụ công tác chuyển đổi số trên địa bàn huyện…

Phát biểu Kết luận hội nghị, Đồng chí Tạ Quang Phương, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Thành viên BCĐ Chuyển đổi số tỉnh cho biết thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tăng cường vai trò là cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo của UBND tỉnh trong việc hỗ trợ các địa phương triển khai chuyển đổi số cấp xã.

Nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số ở cấp xã, phù hợp với Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và mô hình chính quyền 3 cấp, hoàn thiện, triển khai mô hình chuyển đổi số cấp xã (phiên bản 2.0).

Thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data) vào các hoạt động của chính quyền cấp xã. Hỗ trợ xây dựng và phát triển hạ tầng, nền tảng số, dữ liệu số ở cấp xã, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực số cho cán bộ, công chức cấp xã, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; đẩy mạnh phong trào “học vụ bình dân số" theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, phát huy vai trò của Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn.

Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp vào quá trình chuyển đổi số ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình...

BBT

Danh sách liên quan
d